Trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam, một trong những bức tranh dân gian Đông Hồ được yêu thích nhất chính là bức tranh Đám cưới chuột. Tranh Đám cưới chuột là một bức tranh thú vị về một đề tài được dân gian ưa chuộng. Không chỉ bởi hình thức tạo hình khá đặc biệt mà còn do nội dung của các tác phẩm tranh này cũng khiến nó gây nhiều tranh cãi.
Ngoài ý nghĩa châm biếm đả kích mà nội dung bức tranh mang đến thì những bức tranh Đám cưới chuột còn toát lên vẻ tưng bừng, rộn rã, sự hóm hỉnh vui tươi của lũ chuột trong từng bức tranh mà cha ông ta gửi tới. Ngay sau đây hãy cùng Tranh gạo Hà Thành tìm hiểu sâu hơn về loại tranh này nhé!

Mục lục
Làng Tranh Đông Hồ -tỉnh Bắc Ninh
Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về làng tranh dân gian Đông Hồ. Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về thể loại tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng hơn 25 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi tắt là làng Hồ) nằm ở trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Nổi tiếng với loại tranh dân gian, quanh năm làng tranh Đông Hồ đón rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước đến làng tranh Đông Hồ thăm và mua tranh Đông Hồ làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường xuyên về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho các phòng khách, hoặc phòng ăn lớn.
Làng Đông Hồ nằm sát ngay bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu “Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên khoảng cách từ đê ra đến mép nước giờ khá xa.
Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số người dân Việt Nam, từ xa xưa mỗi khi Tết đến, xuân về không nhà nào là không chuẩn bị ít nhất một bức tranh Đông Hồ để dán tường hoặc treo ngoài cửa, hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông như bức tranh Đám cưới chuột, đàn lợn, cá vượt vũ môn….

Những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng
Là hình ảnh gần gũi thân thuộc với người Việt Nam, nhắc đến tranh Đông Hồ hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh Đông Hồ gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn hay trong bộ môn hội họa trong chương trình giáo dục phổ thông, nổi tiếng nhất là bài Bên kia sông Đuống của Nhà thơ Hoàng Cầm:
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Những bức tranh nổi tiếng và được nhiều người biết đến như tranh: Đàn Lợn ; Chuột rước đèn; tranh Đám cưới chuột, lợn lòi, “Thầy đồ cóc” hay là “Ếch đi học”; Đại cát (mang ngụ ý tốt lành, may mắn lớn), bản in bằng khuôn gỗ khắc; Tranh “Lý Ngư vọng nguyệt” (cá chép trông trăng) ngụ ý nói người học trò mong mỏi học tập rồi thi đỗ ví như bức tranh “cá vượt vũ môn” hóa thành rồng; “Hái dừa” hay là “Hứng dừa”; Tranh “Mục đồng thổi sáo”; “Mục đồng học bài”.
Mà một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian Đông Hồ này chính là bức tranh Đám cưới chuột. Bức tranh này đã trở nên quá quen thuốc đối với tất cả mọi người.
Nguồn gốc ra đời của bức tranh Đám cưới chuột
Đứng đầu trong 12 con giáp, chuột là linh vật tượng trưng cho người tuổi Tý, trong văn hóa dân gian thì chuột gắn liền với sự nhanh nhẹn, thông minh, lại có chút giảo hoạt. Còn trong phong thủy, chuột có ý nghĩa biểu tượng cho sự sung túc, thịnh vượng. Có lịch sử khoảng từ 500 năm tuổi, bức tranh Đám cưới chuột mang đến cho người Việt nội dung vừa hóm hỉnh hài hước, vừa châm biếm sâu xa.
Yếu tố hài hước ở bức tranh ở chỗ, làm sao con chuột lạ có thể đi rước dâu, lấy vợ? Người nghệ nhân dân gian dã thổi hồn vào bức tranh Đám cưới chuột này, sử dụng biện pháp nhân hóa hình ảnh loài chuột để chúng mang dáng dấp con người, cũng biết làm đám cưới, biết rước dâu lấy vợ. Mà châm biếm một điều là chú rể chuột kia muốn đón được dâu lại phải mang chim, mang cá cống nạp cho mèo.
Hình ảnh châm biếm con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong xã hội xưa. Còn chú chuột nhỏ bé là hình ảnh ẩn dụ cho người nông dân lam lũ, thật thà, chất phác bị áp bức trong xã hội phong kiến. Bức tranh Đám cưới chuột hoàn toàn không có chú thích gì nhưng bất cứ ai nhìn thấy cũng nhận ra sự ẩn dụ tinh tế của người nghệ nhân dân gian .
Loài chuột vốn ranh ma, tinh quái, đa nghi, luôn cảnh giác e sợ đối với loài mèo – kẻ thù không đội trời chung của chúng, lại hóm hỉnh châm biếm con mèo – tầng lớp thống trị tham ô, nhận hối lộ. Chính vì thế, bức tranh Đám cưới chuột ra đời nhằm châm biếm đả kích sâu sắc về chế độ phong kiến bất công, tầng lớp thống trị luôn tham nhũng, cổ hủ, thối nát, luôn chèn ép những người nông dân hiền lành “một nắng hai sương”.
Cấu tạo bức tranh đông hồ đám cưới chuột có bao nhiêu con vật?
Nhóm con vật chủ đạo của tranh Đám cưới chuột bao gồm Chuột và Mèo: Tổng cộng có 12 con chuột và 1 con mèo
Nhóm các con vật khác: Ngoài con vật chủ đạo là chuột và mèo, thì bức tranh còn có thêm hình ảnh một số loài vật khác, cụ thể như: 1 con cá, 1 con chim và 1 con ngựa. Như hình ảnh minh họa bên dưới:

Bức tranh được chia làm hai phần với 2 tầng trên và dưới, chủ đạo với 12 chú chuột đang rước dâu và 1 con mèo. Tầng trên là cảnh những chú chuột đang dâng lễ cống nạp chim cá cho mèo. Con mèo được vẽ ở góc tầng trên phía bên phải, rất to, oai vệ, bộ dáng hung tợn đang đưa tay ra nhận lễ vật.
Tiếp theo là bốn con chuột, con đi đầu mặt kính cẩn thận hai tay dâng lên một con chim. Cong người, đuôi gập lại thể hiện vẻ sợ sệt. Con thứ hai thì xách một con cá đang tiến theo sau. Mắt nhìn và dáng vẻ khép nép sợ sệt nhìn mèo không kém gì con đầu. Hai con đi cuối thổi kèn thể hiện vẻ tưng bừng nhưng cũng ở tư thế đề phòng bất trắc, khi có chuyện là “vọt” nhanh.
Tầng dưới bức tranh Đám cưới chuột là cảnh đón dâu với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đực cũng là chuột chú rể, đầu đội mũ cánh chuồn. Mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia. Ngồi trên lưng con ngựa hồng, quay nhìn về phía sau vẻ mặt vênh lên tự đắc. Bởi vì chuột ta đỗ tiến sĩ vinh quy bái tổ lại còn cưới được vợ đẹp.
Theo hầu phía sau là một con chuột đen cầm lọng, cầm biển, khiêng kiệu. Trong đó có một con chuột cả người nhiều màu sắc cầm biển đề hai chữ “nghinh hôn”. Con cầm lọng vẻ mặt nghiêm trang theo ngay sau “chú rể”, con cầm biển thì tinh nghịch luôn quay đầu nhìn kiệu “cô dâu”.
Bốn con chuột khác thì khiêng kiệu, hai con khiêng đằng trước nhìn thẳng về phía trước. Hai con đi sau thì quay lại nhìn về phía sau. Cô dâu chuột ngồi trong kiệu thì cũng vấn khăn, mặc áo gấm xanh nhìn chồng chuột đang cưỡi ngựa ở phía trước với vẻ tự hào mãn nguyện.
Bố cục tuyến tính của bức tranh Đám cưới chuột
Điểm đặc biệt bố cục bức tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ đó là bố cục tranh theo tuyến tính tròn (hoặc tuyến tính hình chữ U nằm ngang). Nó vừa như một câu chuyện kể có tính nối tiếp (từ chỗ đám chuột phải đi cống nạp cho mèo đến lũ chuột đi đón dâu ở tầng dưới), vừa thể hiện một vòng tuần hoàn của lẽ sống trong xã hội phong kiến xưa.
Theo họa sỹ Lê Quốc Việt, tác giả cuốn sách Nghệ thuật Đồ họa cổ Việt Nam, bố cục tuyến tính chữ U này là một vòng tròn khép kín, một tuyến tính rất thanh bình yên ả, nhưng cũng rất ngay ngắn và quy củ. Vòng tròn đó là vòng tròn hoàn mỹ góp phần nói lên nội dung tư tưởng châm biếm xã hội phong kiến của bức tranh Đám cưới chuột này.
Theo Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam của lành tranh Đông Hồ cho biết: “Bố cục tranh Đông Hồ chặt chẽ đến mức, ông từng thử bỏ một vài chi tiết nhằm tạo sự mới mẻ cho tranh nhưng người xem vẫn yêu thích các bức nguyên bản hơn.”
Kết luận
Tranh Đông Hồ quả là loại tranh dân gian độc đáo của dân tộc ta. Sự sáng tạo và tỉ mỉ của người nghệ nhân đã tạo ra cho loại tranh này những nội dung vô cùng sâu sắc. Điển hình như sự châm biếm nhưng vẫn không kém phần hóm hỉnh, hài hước trong bức tranh Đám cưới chuột trên.
Trên đây là đôi nét chia sẻ của Tranh Gạo Hà Thành về bức tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ. Bài viết trên chỉ là nội dung một phần nhỏ về bức tranh, nếu bạn muốn biết thêm nhiều hơn về loại tranh này hãy theo dõi trang Web của chúng tôi nhé! Còn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin về bài viết có thể bình luận. Mọi thắc mắc và có nhu cầu mua tranh xin liên hệ theo thông tin sau:
Hotline: 096 540 9898
Địa chỉ: Số 1029, đường 72, Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Email: tranhgaovietnam29@ecomcx_vanct
Fanpage: https://www.facebook.com/TranhGaoHaThanh/
Website: https://tranhgaohathanh.com/
Facebook: Tại đây!